CHUYÊN ĐỀ: trò chơi trong dạy học môn toán lớp 5.

CHUYÊN ĐỀ
VẬN DỤNG TRÒ CHƠI VÀO DẠY HỌC TOÁN LỚP 5
A. NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG
I. QUAN ĐIỂM VỀ TRÒ CHƠI TOÁN HỌC
Trò chơi học tập là trò chơi được tổ chức nhằm thông qua hoạt động chơi mà đạt tới mục tiêu dạy học. Qua đó, bằng phương pháp “Học mà vui – vui mà học” học sinh có thể lĩnh hội tri thức, củng cố kiến thức, rèn luyện kỹ năng.
Trò chơi toán học khác với trò chơi “phi toán học” ở chỗ ít nhiều phải đưa vào trò chơi một yếu tố kiến thức toán học nào đó. Trò chơi toán học được hiểu là hình thức học tập môn Toán theo hứng thú vui chơi dựa trên những tình huống thực tiễn hay trong nội bộ toán mang đặc thù của một tình huống có vấn đề mà việc giải quyết vấn đề trong tình huống đặt ra nhằm để học sinh lĩnh hội, củng cố, vận dụng kiến thức, kỹ năng phương pháp toán đã học, những kinh nghiệm sống đã được tích luỹ vào các tình huống mới một cách tự giác, tích cực, độc lập, sáng tạo.
II. TÁC DỤNG CỦA TRÒ CHƠI HỌC TẬP
Trò chơi học tập làm thay đổi hình thức hoạt động học tập. Học sinh tiếp thu kiến thức tự giác và tích cực hơn trong những hoạt động đa dạng. Học sinh thấy vui hơn, cởi mở hơn thư thái, dễ chịu và khoẻ mạnh hơn.
Trò chơi học tập giúp học sinh rèn luyện, củng cố tiếp thu kiến thức đồng thời phát triển vốn kinh nghiệm mà các em đã được tích luỹ thông qua hoạt động chơi.
Trò chơi học tập rèn luyện kỹ năng, kỹ xảo, thúc đẩy hoạt động trí tuệ. Nhờ sử dụng trò chơi học tập mà quá trình dạy và học trở thành một hoạt động vui và hấp dẫn hơn, các cơ hội học tập đa dạng hơn.
Trò chơi học tập có quy tắc, quy luật nên có ý nghĩa lớn trong việc giáo dục cho học sinh tính nghiêm túc kỉ luật, tính trung thực, tính tự giác, kiên trì vượt khó khăn để tiếp nhận các tri thức, phát hiện các tri thức.
Khi vận dụng trò chơi vào dạy học toán, tiết học toán nhẹ nhàng hơn, giáo viên giảm bớt sự mệt mỏi, căng thẳng khi truyền thụ kiến thức cho học sinh. Bởi vì kiến thức được các em tiếp thu một cách chủ động, tích cực thông qua trò chơi…
III. NHỮNG PHẢN ỨNG TÂM LÍ KHI HỌC SINH THAM GIA TRÒ CHƠI
Chơi là một nhu cầu không thể thiếu đối với học sinh Tiểu học. Trong quá trình tham gia chơi chúng ta thấy các em sẽ có những phản ứng tích cực như vui mừng khi mình và đồng đội chiến thắng và buồn bã khi thất bại, bản thân thấy có lỗi khi không hoàn thành nhiệm vụ.
Tuy nhiên bên cạnh đó các em còn có những phản ứng tiêu cực khác. Đó là chơi gian lận để được thắng, sẵn sàng trừng phạt người thua, dễ ganh tị dẫn đến ghét nhau và có thể chia bè, nhóm. Như vậy, khi giáo viên tổ chức trò chơi phải lưu ý tránh cho học sinh những phản ứng không tích cực và nếu có xảy ra thì kịp thời sửa chữa, cố gắng khuyến khích, động viên, khen thưởng để học sinh có những phản ứng tích cực.
IV. TỔ CHỨC TRÒ CHƠI TRONG MÔN TOÁN
Trò chơi học toán nhằm mục đích là thông qua trò chơi để củng cố kiến thức bài học, luyện tập lại kiến thức của bài mới, phát hiện ra các kiến thức mới của bài học và nắm được các kiến thức của bài học sâu sắc hơn.
1. Thiết kế trò chơi toán học
a. Yêu cầu khi thiết kế trò chơi toán học
Để thiết kế và tổ chức trò chơi học tập trong dạy học môn toán nói chung và môn toán lớp 5 nói riêng đạt hiệu quả cao người giáo viên phải có kế hoạch chuẩn bị chu đáo và đảm bảo các yêu cầu sau:
– Trò chơi được lựa chọn phải mang ý nghĩa giáo dục.
– Trò chơi phải nhằm mục đích phát hiện ra các kiến thức mới của bài học luyện tập lại kiến thức của bài mới, củng cố, khắc sâu nội dung bài học.
– Trò chơi phải phù hợp với trình độ, phù hợp với tâm sinh lí của học sinh.
– Trò chơi phải đảm bảo tất cả mọi học sinh trong nhóm đều được tham gia.
– Trò chơi cần đảm bảo tính an toàn và gây hứng thú cho học sinh.
– Phải có luật chơi, có yếu tố sáng tạo.
b. Cấu trúc của trò chơi học tập
Một trò chơi được thiết kế theo cấu trúc sau:
– Tên trò chơi.
– Mục đích: Nêu rõ mục đích của trò chơi nhằm ôn luyện, củng cố kiến thức, kĩ năng nào.
– Luật chơi: Chỉ rõ qui tắc của hành động chơi qui định đối với người chơi, qui định thắng thua của trò chơi.
– Đồ dùng, đồ chơi: Mô tả đồ dùng, đồ chơi sử dụng trong trò chơi học tập.
– Số người tham gia chơi: Cần chỉ rõ số người tham gia chơi.
c. Những điều lưu ý khi thiết kế trò chơi
Thiết kế dựa trên cơ sở phù hợp với mục tiêu bài học, mục tiêu của từng bài tập cũng như đặc trưng của phân môn toán, tránh thiết kế trò chơi quá phức tạp trong tiết học.
Thiết kế luật chơi rõ ràng, ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thực hiện, không đòi hỏi thời gian dài cho việc huấn luyện.
Việc làm đồ dùng phục vụ cho trò chơi phải đảm bảo tính khoa học, thẩm mỹ, phù hợp với tâm sinh lí lứa tuổi tiểu học và có thể sử dụng trong nhiều năm.
2. Tổ chức trò chơi
a. Cách tổ chức trò chơi
Thời gian tiến hành trò chơi từ 3 – 5 phút.
Bước 1: Nêu tên trò chơi.
Bước 2: Phổ biến luật chơi: Nêu rõ cách chơi, cách đánh giá.
Bước 3: Tiến hành chơi.
Bước 4: Tổng kết trò chơi :
+ Nhận xét kết quả chơi, giáo viên có thể nêu thêm những tri thức được học tập qua trò chơi, những sai lầm cần tránh.
+ Thưởng – phạt: Phải công minh, đúng luật. Thưởng những học sinh, nhóm học sinh tham gia nhiệt tình, chơi đúng luật và “thắng” như kẹo, tràng vỗ tay… Phạt những học sinh thua cuộc bằng hình thức đơn giản như chào bạn thắng cuộc, múa vài động tác, cười vài kiểu hoặc nhảy lò cò…..
b. Những điều cần lưu ý khi tổ chức trò chơi
Để tổ chức trò chơi nói trên giáo viên cần chuẩn bị chu đáo trước khi lên lớp, tự đề ra các tình huống sư phạm để có thể ứng xử nhanh trong tiết dạy.
Trò chơi cần diễn ra trong một thời gian hợp lí, nên phối hợp hoạt động của cá nhân, của nhóm và của cả lớp khi tổ chức trò chơi. Tránh trường hợp trò chơi chỉ có một bộ phận nhỏ tham gia chơi
Tránh lặp lại trò chơi trong tiết học sẽ không hấp dẫn học sinh, không thu hút học sinh. Trong một tiết học, giáo viên không nên cho học sinh chơi quá hai trò chơi vì sẽ biến tiết học thành tiết chơi và các em thiếu thời gian cần thiết để học kiến thức, kỹ năng của bài học.
Giữ lớp học sôi động ở mức cho phép để không ảnh hưởng đến các lớp xung quanh.
Khi nhận xét kết quả chơi, giáo viên phải đảm bảo sự khách quan, công bằng và thật khéo léo tế nhị.
B. MỘT SỐ TRÒ CHƠI TRONG DẠY HỌC MÔN TOÁN LỚP 5
1. Trò chơi: Hãy nhận ra mình
Ví dụ: Hàng của số thập phân. Đọc, viết số thập phân./ SGK trang 37 (Phần củng cố bài)
*Mục đích: Củng cố về cấu tạo số thập phân, rèn kỹ năng phân tích giá trị các chữ số trong số thập phân. Rèn khả năng diễn dạt ngôn ngữ toán học và vận dụng kiến thức đã học một cách linh hoạt.
*Chuẩn bị: GV chuẩn bị những thẻ bài được xâu vào dây đeo để có thể đeo vào cổ.
* Thời gian: khoảng 3- 4 phút.
Luật chơi: Giáo viên chia 3 đội, mỗi đội cho 1 bạn lên bảng và đeo thẻ bài ở cổ (quay số về sau lưng, người đeo không biết số của mình). Đại diện 1 bạn đội đó miêu tả số của bạn đang đeo sao cho bạn đó nhận ra số của mình và đọc số đó. Người tả mà nêu luôn số cũng bị phạm quy.
Nếu đội nào thực hiện tốt thì tặng bạn một tràng pháo tay, còn sai bạn đó sẽ
bị phạt nhảy lò cò về chỗ.
* Học sinh có thể miêu tả các số như sau:
– Số bạn đang đeo là số gồm 2 đơn vị, 3 phần trăm.
– Số bạn đang đeo là số gồm 200 đơn vị, 15 phần nghìn.
– Số bạn đang đeo là số gồm 18 đơn vị, 1 phần mười, 2 phần trăm và 4 phần nghìn.
2. Trò chơi : Tìm bạn máy tính
Ví dụ: Khi dạy bài: Cộng hai số thập phân./ Bài 1 SGK trang 50
* Mục đích: Củng cố phép cộng hai số thập phân. Rèn thao tác cộng hai số thập phân thành thạo, nhanh và chính xác.
* Chuẩn bị: Giáo viên chuẩn bị 4 quân bài ghi các phép tính ở bài tập 1 lật úp xếp không theo thứ tự ( chuẩn bị 2 bộ cho hai đội chơi).

* Tổ chức trò chơi: Thời gian 3- 4 phút.
Chia thành 2 đội, mỗi đội gồm 4 bạn.
+ Đội máy tính A.
+ Đội máy tính B.
Luật chơi: Giáo viên đặt úp các quân bài vào bảng. Mỗi bạn đứng trước phép tính mình sẽ thực hiện. Khi hai đội đã sẵn sàng, giáo viên hô “bắt đầu” và tính giờ thì tất cả 3 bạn của mỗi đội tự lật quân bài của mình rồi tính và viết kết quả của phép tính vào quân bài. Hết 3 phút hoặc nếu đội nào xong trước và đúng thì thắng cuộc và đội đó được cả lớp tung hô “xin chào bạn máy tính” rồi vỗ tay hoan hô.
3. Trò chơi : Bậc thang toán học.
Ví dụ: Mét khối./ Bài tập 1 SGK trang 118.
* Mục đích: Luyện tập đọc, viết số đo thể tích dưới dạng số tự nhiên, phân số, số thập phân.
* Chuẩn bị: Giáo viên vẽ hoặc dán ở bảng từ của lớp 3 cái thang: màu xanh, màu đỏ, màu vàng. Mỗi cái thang có 10 bậc, các thang cao ngang nhau, 3 viên nam châm. Bảng con cho người chơi.
– Giáo viên chuẩn bị sẵn các phiếu câu hỏi và đáp án cho người điều khiển cuộc chơi, chẳng hạn:
a/ Đọc các số: 15m3; 205m3 ; m3; 0,911 m3
b/ Viết các số đo thể tích:
Bảy nghìn hai trăm mét khối;
Bốn trăm mét khối;
Một phần tám mét khối;
Không phẩy không năm mét khối
* Tổ chức trò chơi: Thời gian 4- 5 phút.
Chia 3 đội, mỗi đội 4 bạn.
Đội 1: Đội xanh
Đội 2: Đội đỏ
Đội 3: Đội vàng
Luật chơi: Ba đội đứng xếp hàng dọc cách bảng khoảng 3 bước chân. Tương ứng với màu thang của đội mình. Lần lượt và luân chuyển, mỗi đội một bạn tiến đến gần thang của đội mình và trong vòng 30 giây viết câu trả lời một câu hỏi của người điều khiển cuộc chơi vào bảng con. Nếu trả lời đúng được quyền dịch chuyển nam châm tiến lên một bậc thang, trả lời sai thì lùi nam châm xuống 1 bậc thang. Lượt chơi cứ tiến hành như vậy khi thực hiện hết bài tập thì giáo viên cho dừng lại. Đội nào có nam châm ở độ cao nhất là đội thắng cuộc.

* Lưu ý: Khi bắt đầu chơi sẽ tặng cho mỗi đội nam châm được đứng ở
nấc thang thứ hai.
4. Trò chơi : Hộp quà may mắn. ( thiết kế máy chiếu)
Ví dụ : Viết các số đo khối lượng dưới dạng số thập phân./ Bài 1 SGK trang 161.
* Mục đích: Luyện đổi đơn vị đo khối lượng.
* Chuẩn bị: 4 chiếc hộp, mỗi hộp ghi 1 phép đổi trong bài 1 xếp không theo thứ tự như SGK

– 1 hộp có quân bài may mắn:

– Một số phần quà : có thể bút chì, thước…
* Tổ chức trò chơi : Thời gian từ 4- 5 phút.
Luật chơi: Trong hộp quà có ghi các phép tính cùng kết quả tương ứng. Giáo viên sẽ chỉ định 1 bạn mở bất kì hộp quà nào mình thích và thực hiện phép tính có ghi trong hộp, nếu đúng được thưởng tràng vỗ tay. Trong 4 hộp sẽ có 1 hộp quà may mắn, ai mở được hộp quà đó nếu thực hiện phép tính đúng được nhận quà.
5. Trò chơi: Rung cây táo ( thiết kế máy chiếu)
Ví dụ: Luyện tập./ trang 76. ( Kiểm tra bài cũ)
* Mục đích: Giúp học sinh củng cố về giải toán tỉ số phần trăm (dạng tìm tỉ số % của hai số)
* Chuẩn bị: Giáo viên chuẩn bị một cây táo có ghi số bất kỳ trong số thứ tự học sinh trong lớp học sinh phải nhớ thứ tự của mình trong danh sách cả lớp. Có đáp án tương ứng được mở ra sau khi học sinh trả lời).
a/ Viết số 1,57 thành tỉ số phần trăm
b/ Muốn tìm tỉ số phần trăm của hai số ta làm như thế nào ?
c/ Tính tỉ số phần trăm của hai số: 3 và 15 *Tổ chức trò chơi: Chơi tập thể. Thời gian từ 3 – 4 phút.
Luật chơi: Khi cây táo rung, 1 quả táo rụng, bạn nào có số trùng với số ghi ở quả táo rụng đó, sẽ thực hiện 1 yêu câu bài tập. Nếu thực hiện đúng được nhận 1 phần quà là 1quả táo, nếu sai không được nhận. Ai nhận được táo thì thắng cuộc.
6. Trò chơi : Ai nhanh, ai đúng (thiết kế máy chiếu)
Ví dụ: Ôn tập về số tự nhiên. Bài 5/ SGK trang 147
* Mục đích: Củng cố cho HS về dấu hiệu chia hết cho 2,3,5,9
* Chuẩn bị: Giáo viên chuẩn bị các câu hỏi, nội dung đáp án, đồng hồ đếm giờ cho mỗi câu là 10 giây, bảng con
* Tổ chức chơi: Thời gian từ 4- 5 phút. Chơi cả lớp
Luật chơi: Khi người điều khiển nêu xong câu hỏi, đồng hồ bắt đầu đếm giờ thì mỗi học sinh ghi đáp vào bảng con. Hết thời gian giơ đáp án, nếu thực hiện đúng là thắng cuộc được thưởng tràng vỗ tay.
7. Trò chơi: Kết bạn
Ví dụ: Ôn tập về tính chu vi, diện tích một số hình./SGK trang 166 (Củng cố).
* Mục đích: Người chơi phải nhận diện nhanh các hình và thuộc các công thức tính diện tích của các hình đã học. Rèn tinh thần hợp tác.
* Chuẩn bị: Giáo viên vẽ hình thang, hình thoi, hình tròn, hình tam giác,
hình vuông, hình chữ nhật, hình bình hành và chuẩn bị các thẻ ghi diện tích các
hình đó trên các giấy bìa có dây đeo.
* Tổ chức chơi: Thời gian từ 4- 5 phút.
Luật chơi: 7 bạn sẽ đeo thẻ vẽ hình, 7 bạn đeo thẻ ghi diện tích xếp thành vòng tròn. Vừa nhảy lò cò vừa hát: “ Một nụ cười làm quen, hai tay đều giơ bắt, ba nụ cười làm quen, chúng ta kết thân đi nào”. Khi có hiệu lệnh: “Kết bạn! Kết bạn!” các em nhanh chóng tìm và chạy về với bạn đeo thẻ có kết quả tương ứng với mình. Những bạn tìm đúng thì thắng cuộc.

* Ngoài các trò chơi trên, còn rất nhiều các trò chơi có thể vận dụng vào dạy học toán như : trò chơi truy tìm mật khẩu, tìm nhà cho thỏ, quay số trúng thưởng, vườn hoa số thập phân, rung chuông vàng, ăn khế trả vàng,….

D. KẾT LUẬN
Trong giảng dạy nói chung, dạy môn Toán lớp 5 nói riêng và các lớp khác nói chung, việc sử dụng trò chơi học tập rất cần thiết trong mỗi tiết dạy.
Do đó giáo viên cần có sự cố gắng không ngại khó, ngại khổ, phải có lòng yêu trẻ, say mê nghề nghiệp, có thời gian nghiên cứu, rèn luyện, tìm tòi và tích lũy thêm kiến thức về môn học để việc giảng dạy môn Toán đạt kết quả cao hơn.